Được sự đồng ý của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, triển lãm “Hóa thạch – Hành trình khám phá nguồn gốc của sự sống trên Trái Đất” của Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội kết hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế là hoạt động đồng hành cùng Festival Huế 2022.
Có thể bạn quan tâm:
Điều thú vị đặc sắc của triển lãm lần này chính là, Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội mang tới Huế gần 2000 mẫu vật có niên đại từ 2.3 tỷ năm đến 10 nghìn năm, những mẫu vật có giá trị cao về khoa học, giúp tái hiện lại một vùng đất cổ sinh – dấu vết của sự sống cổ xưa. Từ đó, tạo nên không gian khoa học – lịch sử - tự nhiên đích thực, dành cho những người yêu thích Cổ sinh vật học và Hóa thạch khắp bốn phương.
Không gian triển lãm trưng bày đa dạng 2000 mẫu vật |
Mục tiêu của triển lãm lần này chính là tạo ra sân chơi thật sự cho những người yêu khoa học, đặc biệt trong lĩnh vực Cổ sinh vật học và Hóa thạch tại Việt Nam. Thông điệp của triển lãm lần này đó chính là chuyến đi với hành trang lớn nhất là niềm say mê luôn âm ỉ cháy trong lồng ngực, là khát khao được chiêm ngưỡng và chạm vào dấu tích của thời gian, của sự sống ẩn chứa dưới những lớp đất đá tưởng như vô tri vô giác. Âm thanh rộn rang của tiếng búa cổ sinh gõ vào đá mang theo hi vọng khám phá ra những bí ẩn sự sống cổ xưa của những tâm hồn đang yêu cuồng nhiệt.
Đến tham dự triển lãm Hóa thạch có các lãnh đạo đến từ Tỉnh Thừa Thiên Huế, giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, ông Huỳnh Tiến Đạt – Giám đốc Trung tâm Festival Huế, cùng các sở ban ngành trên địa bàn thành phố Huế. Ngoài ra, triển lãm còn có sự tham dự của Chủ tịch hội đồng khoa học Bảo tàng hoá thạch Hà Nội, GS. Tiến Sĩ Tạ Hoà Phương, PGS. Tiến Sĩ Nguyễn Lân Cường - Phó chủ tịch hội đồng khoa học Bảo tàng Hoá thạch Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hùng - Phó chủ tịch hội đồng khoa học Bảo Tàng Hoá Thạch Hà Nội và lãnh đạo TP. Hà Nội, cùng nhiều nhà báo đến từ các cơ quan báo đài.
Đặc biệt sự xuất hiện của nhiều nghệ sĩ như ca sĩ Hồng Nhung, ca sĩ Hiền Thục, diễn viên Phương Anh Đào, đạo diễn Cao Trung Hiếu v.v… giúp triển lãm lan tỏa và truyền đi giá trị văn hóa Cổ sinh đến với công chúng rộng rãi hơn.
Phát biểu về triển lãm Hóa thạch đầu tiên tại Festival Huế, ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: “Lần đầu tiên Festival Huế đón chào một Triển lãm Hóa thạch có quy mô và giá trị khoa học lớn đến vậy. Đây là cơ hội để cộng đồng, đặc biệt là người trẻ được tiếp cận và hiểu hơn về những mẫu vật cổ sinh, từ đó thêm yêu và trân trọng với những dấu tích cổ xưa và cội nguồn của sự sống”.
GS.TS Tạ Hòa Phương - Chủ tịch Hội Cổ sinh - Địa tầng Việt Nam chia sẻ tại buổi khai mạc: “Thông qua Triển lãm, chúng tôi muốn nhắn gửi thông điệp về sự vô giá của những hóa thạch: chúng vốn dĩ có mặt ở khắp mọi nơi xung quanh chúng ta, ở Đại Nội, ven đường, bãi biển… nhưng đang dần biến mất khi con người phá núi, xây nhà”.
GS.TS Tạ Hoà Phương tại triển lãm Hoá thạch |
Triển lãm Hóa thạch mang nhiều giá trị khoa học, giúp công chúng hiểu được ảnh hưởng của hành vi con người đối với tự nhiên, đó là sự mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Đồng thời, Triển lãm như một cuốn bách khoa toàn thư lưu giữ trọn vẹn câu chuyện về sự sống trên Trái Đất từ hàng tỷ năm trước.
Đây là bước đầu về một tinh thần mới trong nghiên cứu khoa học: năng động đầy sáng tạo và chủ động của thế hệ trẻ trong các hoạt động nghiên cứu về những dấu tích đã từng tồn tại cách đây hàng trăm triệu năm. Triển lãm Hóa thạch chắc chắn là nơi phù hợp để nhiều người trẻ hiểu hơn về cội nguồn muôn loài, về bề dày lịch sử hàng tỷ năm Trái Đất.
Cũng trong khuôn khổ triển lãm, khách tham quan sẽ được thưởng thức sự giao thoa đẹp đẽ của khoa học và nghệ thuật khi chiêm ngưỡng những tác phẩm hội hoạ đặc biệt được tạo nên bởi sự rung cảm mạnh mẽ của các hoạ sỹ nổi tiếng nước ta khi đứng trước những mẫu vật hoá thạch có niên đại hàng trăm triệu năm.
Triễn lãm “Hóa Thạch – Hành trình khám phá nguồn gốc của sự sống trên trái đất” chính thức phục vụ tham quan từ 25/6 đến 31/10/2022, thời gian mở cửa từ 7h đến 21h tại Điểm di tích Bộ học số 76 Hàn Thuyên – TP. Huế.
Phương Nam/Theo Văn Nghệ