Xin được bắt đầu bằng câu chuyện đang rất thời sự: tranh cãi xung quanh bộ phim Cuties (tựa Việt: Vũ công nhí đáng yêu) được chiếu trên Netflix.
Có thể bạn quan tâm:
Tính tới nửa đầu tháng 9/2020, hơn một tháng sau khi bộ phim chính thức được phát hành, khoảng 600.000 chữ ký đã được thu thập trên khắp thế giới nhằm yêu cầu Netflix gỡ bộ phim này ra khỏi ứng dụng. Đáng nói là, dù được chiếu trên hệ thống Netflix Việt Nam, phản ứng của dư luận trong nước với bộ phim này chỉ ở mức… theo trào lưu phương Tây. Chúng ta chưa có một động thái chính thức nào từ các nhà quản lý liên quan tới bộ phim này.
Ranh giới giữa đạo đức và phi luân, lạm dụng hình ảnh trẻ em và nghệ thuật đã không được nhìn nhận và phân định rõ ràng, điều mà xét từ nguyên nhân chủ quan, có thể chính những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa đang không dám tự tin minh định. Trường hợp Cuties không phải là cá biệt và sẽ ra sao khi những sản phẩm tương tự hoặc có mức độ khiêu khích hơn bộ phim này được trình chiếu không qua kiểm duyệt, mà bộ chặn lọc hay định hướng, từ các nhà quản lý tới các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đều ở trạng thái…
Tất nhiên, những người vốn sẵn tính lạc quan sẽ nói rằng, chuyện bé đang được xé ra to. Hoặc sự hội nhập là tất yếu, thế nên dù bằng cách nào, chúng ta cũng không thể đảo ngược hay xoay chuyển được xu hướng này. Thậm chí đó có thể là lý do biện minh cho sự im lặng của những người có trách nhiệm, trong trường hợp Cuties và những trường hợp tương tự khác.
Phải thừa nhận rằng sự bùng nổ của mạng internet dẫn đến sự hội nhập ngày càng nhanh chóng của giới trẻ Việt Nam với thế giới. Cùng với sự hỗ trợ của công nghệ trong thế giới phẳng, luồng gió giải trí phương Tây thổi tràn vào Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục mạnh chứ không hề suy kém. Trên thực tế, cái được giới trẻ tiếp nhận, dễ lây lan là phần đáy của hình tháp văn hóa, cái mảng tối mà chính phương Tây cũng đang phải đau đầu giải quyết những hệ lụy từ đó phát sinh. Họ đã trải qua nhiều cay đắng và họ đã có các phương cách điều chỉnh, hạn chế sự rạn nứt và đổ vỡ mà điển hình là hệ thống nhà dưỡng lão, các trung tâm chữa trị căn bệnh rối loạn thần kinh.
Hai Phượng của Ngô Thanh Vân cũng có mặt trên Netflix |
Trong xã hội Việt Nam, các tác động tiêu cực của phần đáy tháp văn hóa ấy cũng đang dần dần hiện rõ. Kiểu trang phục, trang điểm… lố lăng, khiêu khích xuất hiện đầy rẫy từ ngoài đường cho tới sách ảnh, hay các phương tiện truyền thông đại chúng là biểu hiện rõ rệt của việc thiếu đi những chuẩn mực văn hóa trong ứng xử, giao tiếp, phục sức. Có thể có lúc giới trẻ có lý khi từ chối những hình thức cũ lạc hậu trì trệ, thế nhưng cách lựa chọn cái mới của họ lại thường đua theo những xu hướng nhất thời, nông nổi của một bộ phận giới trẻ phương Tây.
Biểu hiện bên ngoài là vậy. Còn trong các mối liên kết xã hội, sự đổ vỡ đã xảy ra ngay trong mối quan hệ tưởng như bền chắc nhất: cha mẹ - con cái. Chúng ta càng ngày càng phải chứng kiến nhiều vụ việc đau lòng như con hành hạ, đánh đập, rủa cha mắng mẹ, cha mẹ già yếu bị con cái bỏ rơi, không nơi nương tựa… rất trái với truyền thống đạo lý của người Việt. Và sự phẫn nộ, lên án của xã hội không đủ mạnh mẽ để tạo ra sự chuyển biến đáng kể nào. Không khó tìm những giọt nước mắt của những bà mẹ, bị tuổi tác làm cho yếu thế trước người con mà chính bàn tay họ đã chăm mớm, bế bồng. Ai có thể nói với người con rằng, cần phải biết ơn và yêu mẹ mình?
Giống như kinh tế, văn hóa Việt Nam cũng phải tìm được nội lực của chính mình. Tiếp nhận văn hóa phương Tây theo cách như hiện tại không những không giải quyết được vấn đề mà còn tạo nên sự hỗn độn hơn. Sẽ ra sao nếu chỉ tiếp nhận phần đáy tháp văn hóa, văn minh mà không có phần đỉnh cao? Trong khi chờ đợi những chiến lược, quyết sách đúng, trúng và bài bản cho văn hóa Việt, việc tìm cách giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa, phim ảnh, sách truyện… của Việt Nam, nhóm doanh nghiệp có thể tạo nên sức ảnh hưởng về mặt văn hóa, tinh thần, đủ sức đối trọng với các trào lưu, xu hướng mà giới trẻ tiếp thu từ các sản phẩm ngoại nhập là việc thiết thực và có thể làm ngay.
Đầu tiên là hỗ trợ tạo ra những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật chất lượng, đậm chất văn hóa Việt, mang tinh thần của người Việt Nam. Lẽ ra, đây phải là nhiệm vụ của các hãng phim nhà nước. Tiếc thay, sau thế hệ vàng, những gì dư luận đang nhìn thấy ở các hãng điện ảnh là sự tranh chấp về tiền lương, đất đai khi cổ phần hóa. Các hãng phim tư nhân dù phải tự bơi nhưng đã tạo ra được những tác phẩm có tiếng vang nhất định. Hoàn toàn có thể hỗ trợ, thúc đẩy họ phát huy thêm theo phương thức rất thị trường và sòng phẳng, có sản phẩm đạt yêu cầu thì mới nhận được hỗ trợ.
Trong lĩnh vực phát hành phim, sự lép vế của hệ thống rạp nội trước ông lớn CGV đã thu hẹp cơ hội của phim Việt, mà quan trọng nhất, đó là doanh thu. Khi không được xếp giờ chiếu tốt, khả năng thu hút khán giả và thu hồi vốn để tái đầu tư của phim Việt sẽ bị hạn chế. Với vai trò quản lý, yêu cầu CGV ưu tiên phim nội, không chỉ đảm bảo các tiêu chí thời lượng chiếu mà còn đáp ứng yêu cầu thời gian chiếu không phải là việc ngoài tầm tay. Tuy nhiên, trước hết, phim Việt phải đảm bảo chất lượng, có chiến lược truyền thông tốt để thu hút khán giả, tránh cho các nhà quản lý cái tiếng chèn ép doanh nghiệp FDI để ưu ái… người nhà.
Trên thị trường cung cấp các dịch vụ trực tuyến, lại phải nhắc tới trường hợp Netflix. Netflix có tổng số thuê bao đạt trên 300.000 tại Việt Nam, doanh thu ước tính 30 triệu USD/năm. Cách thức Netflix hoạt động ở Việt Nam cũng giống như trên một số thị trường dễ tính khác: không đăng ký nên không bị kiểm duyêt, không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng… Điều này tạo nên sự bất bình đẳng cho doanh nghiệp Việt, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp tư nhân. Các doanh nghiệp này cũng chỉ mong được đối xử bình đẳng về chính sách thuế và chế độ kiểm duyệt. Xem ra, đó là một yêu cầu chính đáng.
Phương Nam/Theo Văn Nghệ