Những thập kỷ gần đây, Hollywood liên tục mang đến những loạt phim đình đàm, chiếm trọn cảm tình của khán giả toàn cầu. Nhiều tên tuổi trong số đó đã trở thành những biểu tượng văn hóa đại chúng, len lỏi vào từng góc của đời sống tinh thần của nhân loại hiện đại.
Có thể bạn quan tâm:
The Matrix
The Matrix được xem là tượng đài của thể loại phim hành động, khoa học viễn tưởng. Nội dung kể về nhân vật Neo (Keanu Reeves đóng) mắc kẹt trong thế giới ảo tên Ma trận, nơi trí tuệ nhân tạo vươn lên nắm quyền điều khiển và biến con người thành các tù nhân. Cùng các đồng đội, Neo lãnh đạo đội quân giải phóng để chống lại lũ người máy để tìm kiếm tự do đích thực.
Ban đầu, The Matrix được biết đến như một phim thiêng (cult film), cực kỳ được yêu thích trong cộng đồng khoa học viễn tưởng nhưng không vươn ra tầm văn hóa đại chúng. Tuy nhiên, thành công về mặt hàn lâm và thương mại - bốn giải Oscar 2000 cùng doanh thu 2,4 tỷ đô – đã đưa tên tuổi loạt phim lên tầm toàn cầu.
Mức độ bao phủ của The Matrix ngày càng tăng theo thời gian, khi Internet trở thành công cụ không thể thiếu với nền văn minh hiện đại. Hình ảnh viên thuốc xanh – đỏ đã trở thành một biểu tượng không thể phai mờ trong tâm trí khán giả suốt hai thập kỷ qua. Các diễn đàn lớn như Reddit, Quora luôn có những hội, nhóm trao đổi tích cực với hàng loạt meme (ảnh chế) ra đời. Hai loại thuốc xanh – đỏ cũng được nâng tầm thành lý tưởng của nhiều người, giúp họ có góc nhìn đa chiều trước các sự kiện xã hội.
Với một kịch bản có chiều sâu và đậm tính triết học, các chi tiết trong phim vẫn có nhiều điểm liên quan, phù hợp với bối cảnh xã hội ngày nay. Cuộc đấu tranh đòi tự do trên không gian ảo và nỗi sợ về tương lai bị thống trị bởi trí tuệ nhân tạo là nguồn cảm hứng vô tận của ngành sáng tạo trong suốt nhiều thập kỷ qua. Không ngoa khi khẳng định The Matrix là một trong những biểu tượng văn hóa đại chúng mở đầu các trào lưu đó.
Sự nổi tiếng của Keanu Reeves cũng góp phần đưa tên tuổi The Matrix lên tầm biểu tượng văn hóa đại chúng. Tài tử người Canada nổi tiếng với lối sống khiêm tốn, tích cực dù trải qua nhiều biến cố. Anh truyền cảm hứng cho hàng triệu fan trên khắp thế giới và được CNN đặt biệt danh “Soái ca trên Internet”.
Phần 4 của loạt phim - The Matrix Resurrections (tựa Việt: Ma trận: Hồi sinh) – sẽ ra mắt khán giả toàn cầu vào cuối năm (24/12/2021), đánh dấu sự trở lại của Keanu Reeves trong vai Neo sau gần hai thập kỷ.
Đoạn trailer đầu tiên lập tức gây sốt, thu hút hàng chục triệu lượt xem trên Youtube. Câu chuyện phần 4 đưa khán giả sống lại những tình tiết cực kỳ hấp dẫn như phần đầu tiên, càng chứng tỏ sức sống mãnh liệt và giá trị trường tồn của thương hiệu phim.
Harry Potter
Thế giới phù thủy của nhà văn J.K.Rowling và hãng phim Warner Bros. đã trở thành biểu tượng không thể phai mờ trong nền văn hóa đại chúng. Câu chuyện về cậu bé Harry Potter và hai người bạn thân là Hermione Granger và Ron Weasley chống lại thế lực hắc ám đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ. Theo khảo sát của trang Signs, các tên gọi, biểu tượng trong phim là một trong những biểu tượng văn hóa quen thuộc bậc nhất với người Mỹ.
Với 8 phần phim Harry Potter, hãng Warner Bros. đã thu về 7.7 tỉ đô từ phòng vé trên toàn thế giới. Riêng phần phim cuối cùng Harry Potter and the Deathly Hallows 7.2 có doanh số vượt mức 1.3 tỉ đô, tự hào trở thành một trong những phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại.
Lords Of The Rings
Giống Harry Potter, sự phổ biến của loạt phim Chúa Nhẫn cũng được hậu thuẫn từ loạt tác phẩm văn học ăn khách của nhà văn J. R. R. Tolkien. Phim kể về hành trình của chàng Frodo Baggins tộc Hobbit mang chiếc nhẫn One Ring đến sào huyệt của chúa quỷ Sauron để phá hủy. Đồng hành với anh là những người bạn từ thời thơ ấu và đoàn hộ nhẫn gồm những cá nhân ưu tú nhất từ các vương quốc, chủng tộc của vùng Trung Địa.
Giới chuyên gia đánh giá Chúa Nhẫn là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của thể loại giả tưởng. Đại văn hào J. R. R. Tolkien sáng tạo nên hàng loạt nền văn hóa, chủng tộc thú vị và trở thành niềm cảm hứng lớn cho hậu thế. Nhiều câu thoại trở thành kinh điển, như “You Shall Not Pass” của phù thủy Gandalf, thường xuyên được nhại lại trong các tác phẩm đa phương tiện sau này. Loạt phim Chúa Nhẫn cũng được khen ngợi là dự án điện ảnh chuyển thể thành công bậc nhất mọi thời, với doanh thu gần 3 tỷ đô và giành 17 giải Oscar trên tổng 30 đề cử.
Star Wars
Star Wars là niềm tự hào của Hollywood thời hiện đại. Thương hiệu là dự án điện ảnh kịch bản gốc thành công bậc nhất của nước Mỹ, được định giá khoảng 70 tỷ USD. Theo đánh giá của giới phê bình, George Lucas đã tạo nên một thế giới mới mà không cần dựa trên sự thành công của các tác phẩm văn học, truyện tranh sẵn có.
Nước Mỹ luôn tìm cách quảng bá thương hiệu Star Wars với nền văn hóa đại chúng toàn cầu. Họ lồng ghép các nhân vật, câu chuyện phim vào gần như tất cả các sản phẩm văn hóa tinh thần của mình, từ thanh kiếm lightsaber hay chiếc mặt nạ của Darth Vader, Stormtroopers...
Batman
Bên cạnh Star Wars, các bộ truyện tranh siêu anh hùng cũng là điều người Mỹ tự hào về nền văn hóa tinh thần của họ. “Đấng” Batman có lẽ là nhân vật quen thuộc nhất với khán giả toàn cầu. Ra đời từ năm 1939, đây là một trong những thương hiệu giải trí lâu đời và thành công nhất mọi thời, được định giá 27,7 tỷ USD. Truyện tranh Người Dơi mang về cho DC Comics khoảng 21 tỷ đô.
Những live-action đầu tiên của Batman bắt đầu ra mắt từ khoảng những năm 40 của thế kỷ trước. Hai phần phim Batman và Batman Returns của đạo diễn Tim Burton lần lượt ra mắt vào những năm 1989 và 1992, đưa Michael Keaton trở thành một trong những gương mặt biểu tượng của “Đấng”.
Bộ ba The Dark Knight của đạo diễn lừng danh Christopher Nolan góp phần không nhỏ đưa nhân vật này hồi sinh sau gần một thập kỷ và trở nên vô cùng được yêu thích trên màn ảnh. Và tròn một thập kỷ sau phần cuối The Dark Knight Rises, Batman mới lại có một phần phim của riêng mình.
Tháng 03.2022, The Batman của đạo diễn Matt Reeves, với màn hóa thân của Robert Pattinson vào vai chính sẽ được ra mắt chính thức.
Mộ Ngôn/Theo Văn Nghệ