Trong quan điểm của người Á Đông xưa, màu sắc là yếu tố quan trọng trong việc thiết kế quần áo, sắp xếp phong thủy và chế tạo các vật dụng trong nhà. Bởi lẽ màu sắc không có hình dạng nhưng lại hiển hiện ở khắp nơi, rất giống với “Khí” - nguồn năng lượng của càn khôn thái cực. Đối với họ, có những màu còn có thể mang lại vận may cho người sử dụng.
Có thể bạn quan tâm:
Màu đỏ
Màu đỏ được xem là màu sắc rực rỡ nhất, tượng trưng cho nhiệt huyết và sự may mắn. Trong những ngày vui như ngày Tết hay mừng thọ, lễ cưới, người châu Á thường bài trí những vật dụng màu đỏ trong nhà để cầu may.
Riêng đối với người Nhật, màu đỏ còn mang thêm ý nghĩa về một sự khởi đầu mới với nhiều tiềm năng và hy vọng. Quan điểm này xuất phát từ “akago” (có Kanji là Xích Tử 赤子, nghĩa là đứa trẻ màu đỏ). Đây là từ vựng dùng để chỉ những đứa trẻ mới được sinh ra.
Màu vàng kim
Theo quan niệm phương Đông, màu vàng kim là sắc màu vương giả, tượng trưng cho sự cao quý và tài lộc. Đây còn là màu tượng trưng cho hành Thổ - hành trung tâm của đất trời. Đó cũng là lý do mà xưa kia, chỉ có bậc vua chúa mới được mặc y phục có màu này. Vàng kim cũng chính là màu sắc của loài rồng - linh vật hùng mạnh và quyền lực nhất trong tín ngưỡng của người dân châu Á.
Màu vàng hoàng yến
Màu vàng hoàng yến là sắc màu rất phổ biến trong nghệ thuật kiến trúc Á Đông truyền thống. Đây là sắc màu tươi tắn, dịu nhẹ như tia nắng buổi sớm mai, cũng là sắc màu gợi nên cảm giác về sự no đủ và an bình. Theo phong thủy phương Đông, màu vàng hoàng yến rất phù hợp cho việc sơn tường ở cả những ngôi nhà bình dân lẫn nơi đình chùa, miếu mạo.
Ngày nay, khi đến thăm phố cổ Hà Nội hay phố cổ Hội An, ta vẫn thấy những dãy nhà có tường sơn màu vàng hoàng yến, sắc màu gợi nhắc về những năm tháng xưa cũ, những giá trị văn hóa truyền thống đậm chất Á đông.
Màu xanh dương
Người xưa có từ 青襟 “thanh khâm” có nghĩa là vạt áo màu xanh. Các nho sinh thời xưa khi đi học thường mặc áo xanh nên “thanh khâm” cũng là từ để chỉ người học trò. Theo góc nhìn truyền thống Á Đông, màu xanh tượng trưng cho khí tiết của người quân tử, cũng là thứ màu đại diện học thức và sự nho nhã.
Màu hồng
Dù yêu thích màu đỏ nhưng người Á Đông xưa chỉ mặc màu này vào những dịp đặc biệt chứ không mặc thường xuyên. Trong cuộc sống thường nhật, người ta thường chọn mặc màu hồng - màu sắc được cho là “phiên bản phụ” của màu đỏ. Theo thời gian, màu hồng trở thành màu sắc được ưa thích rộng rãi đối với cả phụ nữ quý tộc lẫn người bình dân.
Trong văn hóa truyền thống của Việt Nam, sắc hồng của dải yếm đào tượng trưng cho sự nữ tính và sức quyến rũ của người phụ nữ. Dải yếm đào lấp ló dưới vạt áo tứ thân đã đi vào những bài hát ru, vào câu chuyện cổ tích mẹ kể lúc đưa nôi, trở thành biểu tượng nền nã của người con gái Việt.
Màu sắc không đơn thuần chỉ là những dải quang phổ, chúng chứa đựng câu chuyện về văn hóa của những miền đất khác nhau trên thế giới. Là một thương hiệu spa và mỹ phẩm lâu đời đến từ Nhật Bản, Menard yêu màu đỏ trên những cổng đền Shinto, các sắc vàng của lá rẻ quạt, màu xanh của cá thu đao và màu hồng của hoa anh đào mùa xuân. Gắn bó với Việt Nam suốt 18 năm, Menard biết yêu thêm màu đỏ của cầu Thê Húc, màu vàng hoàng yến của những dãy nhà cổ, màu hồng của những chiếc yếm lụa đào truyền thống…
Sự giao thoa các sắc màu văn hóa ấy đã trở thành nguồn cảm hứng để Menard sáng tạo nên hộp quà Ngũ Phúc mừng xuân Nhâm Dần 2022. Năm màu sắc được “nghệ nhân” Menard ứng dụng hài hòa trong thiết kế hộp quà chính là năm màu có ý nghĩa văn hóa đặc sắc, chứa năng lượng của may mắn và điềm lành theo quan niệm của người Á Đông.
Ngũ sắc phúc lành tương ứng với Ngũ Phúc: màu đỏ ứng với Phúc Đức, màu vàng kim ứng với Phúc Thịnh, màu vàng hoàng yến ứng với Phúc Lộc, màu xanh dương ứng với Phúc Thọ và màu hồng ứng với Phúc An Khang. Năm sắc màu ý nghĩa này cũng là màu sắc chủ đạo của các sản phẩm Health Food chất lượng cao mà Menard muốn gửi gắm đến Tri kỷ trong phần quà Ngũ Phúc.
Phương Nam/Theo Văn Nghệ