November 24, 2024, 7:31 pm

Hồng Ngọc - vẽ tranh là cách chữa lành những thương tổn

Triển lãm tranh đầu tay “Những nỗi buồn đẹp” của họa sĩ Hồng Ngọc sẽ khai mạc lúc18h00 ngày 7/7/2023 tại J Art Space, 30 Đường số 10, Thảo Điền, quận 2 và kéo dài đến hết ngày 16/7/2023. Một trong những tiêu chí của J Art Space là phát hiện hoặc đồng hành với các họa sĩ mới, giúp họ thực hiện triển lãm cá nhân đầu tiên. Đây cũng là lý do chính để triển lãm tranh đầu tay Những nỗi buồn đẹp của họa sĩ Hồng Ngọc hiện diện.

Có thể bạn quan tâm: 

Hồng Ngọc sinh năm 1993 tại TP.HCM. Ham mê vẽ từ những năm 2000, khi mới bước vào tiểu học. Đi học về là vẽ, những hình ảnh trẻ thơ được vẽ qua nhiều đề tài khác nhau. Đến năm 2008, cha là họa sĩ Nguyễn Hưng Trinh mới dạy vẽ bằng bay và ngón tay, nhưng Hồng Ngọc thích vẽ bằng ngón tay nhiều hơn. Với cách vẽ bằng ngón tay, người mới vẽ rất khó thực hiện, nhưng với Hồng Ngọc - nhờ tiếp cận với lối vẽ của cha từ nhỏ - nên tiếp nhận rất nhanh. Hồng Ngọc đã học vẽ chân dung và tĩnh vật, ngày nào rảnh rỗi là luyện tập.

 

Tinh
 

Xuất thân trong gia đình có cha là họa sĩ, bác ruột là nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc, chú ruột là nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng… Lại vốn sẵn tố chất thông minh, có năng khiếu từ nhỏ, nếu Hồng Ngọc chọn con đường đại học để theo đuổi hội họa hoặc văn học - nghệ thuật nói chung thì không có gì là khó khăn, cản trở. Nhưng, Hồng Ngọc chọn làm họa sĩ tự học, đúng hơn, là họa sĩ tự đào tạo.

 

Trước khi chọn cách vẽ bằng ngón tay như đang thấy ở triển lãm này, Hồng Ngọc cũng từng thử đi học vẽ vài nơi, trong đó có lớp vẽ của Hội Mỹ thuật TP.HCM, đã rút tỉa được nhiều bài học, nhưng sau cùng vẫn chọn cách mà bản thân thấy thoải mái nhất. Hồng Ngọc cho rằng ngón tay là cách tốt nhất để bản thân có thể truyền tải những cảm xúc của bản thân vào tác phẩm một cách chân thực nhất, chạm vào sơn và cảm nhận từng sớ vải như thể hòa vào làm một. Hình ảnh thiếu nữ thuần khiết với thân hình mảnh mai, đôi mắt như bầu trời đêm với trăng và sao, là nét đặc trưng trong tranh của Hồng Ngọc.

 

Hong
 

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng nhận xét: “Trước triển lãm đầu tay của Hồng Ngọc, tôi cũng muốn viết bài giới thiệu. Nhưng mấy hôm nay, cứ loay hoay, vì... khó viết quá. Khó viết, không phải vì tôi là chú, viết về cháu “khó giữ được sự khách quan”, mà bởi ngay chính tranh của Hồng Ngọc. Tranh của Hồng Ngọc, tuy gần gũi về đề tài, cấu trúc hình tượng và bố cục, kể cả bảng màu cũng hết sức quen thuộc, nhưng lại ứ đầy cảm xúc. Nổi bật trong tranh - thường chỉ có một, hai nhân vật - là một, hai đôi mắt mở to. Dường như Hồng Ngọc gởi gắm tất cả những điều mình muốn nói, muốn biểu hiện qua những “cửa sổ tâm hồn” này...

 

Tất cả các đôi mắt đều mở to, nhưng trạng thái cảm xúc của từng đôi mắt, gắn liền với từng chủ đề qua từng bức tranh, thì lại rất khác nhau. Không chỉ biểu hiện sự ngây thơ, hồn nhiên hay thánh thiện, mà còn có cả những lo lắng, những nỗi buồn ẩn sâu...Những sắc thái biểu hiện cảm xúc này, hết sức dễ cảm nhận nơi từng người xem, nhưng rất khó dùng ngôn ngữ của lý trí để diễn đạt. Thực ra, sự cố gắng diễn đạt này bằng thừa. Bởi, trái tim có ngôn ngữ riêng của nó, tác động trực tiếp đến từng trái tim khác - trong tâm tình đồng cảm...”.

 

Thien
 

Còn nói như họa sĩ Nguyễn Hưng Trinh: “Với mẫu dáng thiếu nữ, nhưng từ hình tượng đến bố cục màu và bố cục không gian Hồng Ngọc không vẽ trùng lặp, mà mỗi bức tranh có sắc thái riêng, dễ đưa người xem đến cảm giác nhẹ nhàng, thích thú. Hồng Ngọc tính ít bộc lộ, nhưng sống với nội tâm và sâu sắc trong ý nghĩ, cháu tìm chính mình qua từng tác phẩm, vì vậy tranh cháu biểu cảm sự chân thật, dễ đi vào lòng người. Những ánh mắt nhân vật trong mỗi bức tranh, là tâm cảm của Hồng Ngọc”.

 

Thanh
 

Một đặc trưng nữa, đó là tính biểu tượng và ước lệ đã giúp tôn tạo nhân vật nữ ở mức tối đa, mang lại tinh thần tự họa một cách rõ nét. Khi vẽ thì Hồng Ngọc gần như tách mình ra khỏi thời điểm hiện tại để tìm được sự bình an cho tâm hồn ở thế giới của hội họa - nơi mà Hồng Ngọc tin rằng là dịu dàng nhất, để có thể tự do bày tỏ hết nỗi niềm của bản thân và chữa lành những thương tổn.

 

Nhung
 

Hồng Ngọc ít tái hiện lại các hành động kịch tính, mà đi tìm sự trầm tư, sự quán chiếu vào bên trong chính mình. Ở đó có sự thăng hoa và thánh thiện. Ở đó có sự mơ mộng và tự do. Và trên hết, ở đó có những nỗi buồn đẹp. Để từ đây, Hồng Ngọc tìm thấy được lối nhỏ để vào hội họa, cũng là lối nhỏ để vào đời. 

Phương Nam/Theo Văn Nghệ


Có thể bạn quan tâm