Tập 6 của XHTĐRLX2 vừa lên sóng tiếp tục lấy nước mắt của khán giả khi hát những ca khúc cảm động về gia đình, quê hương. Không chỉ vậy, đằng sau mỗi tiết mục là mỗi câu chuyện, mỗi hoàn cảnh của những người nghệ sĩ được hé lộ.
Có thể bạn quan tâm:
Sau thành công của ca khúc Đôi bờ, tập này, khán giả được thưởng thức một ca khúc lên tới 74 năm tuổi đời. Đó là Trường Làng Tôi, ca khúc được cố nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu sáng tác vào năm 1948 trong thời kỳ chống Pháp. Bài hát gốc vốn mang điệu valse dễ thương và gần gũi đối với người nghe. Ca từ mộc mạc, dễ thương, chân thật và đằm thắm. Ca khúc phản ánh nguyên vẹn bầu trời ấu thơ trong sáng, nhiều kỷ niệm. Vì vậy, khi lựa chọn Trường làng tôi để hát lại lần này, Hứa Kim Tuyền cũng đặt để nhiều tâm tư.
Hứa Kim Tuyền chia sẻ: “Bài hát này Tuyền muốn phần nào cho khán giả trẻ hình dung để có quê hương đất nước như bây giờ chúng ta đã phải trải qua chiến tranh ra sao. Bên cạnh đó, Tuyền cũng nghĩ đến âm nhạc của những người lớn tuổi tại làng ngư Mỹ Thạnh. Có thể Trường làng tôi sẽ phần nào khơi gợi, chia sẻ lại với các cô chú những ký ức đó”.
Không gian hoài niệm tràn ngập phòng tập khi các thành viên chuẩn bị cho bài hát này. Trúc Nhân tự sự: “Có lẽ số nhiều trong chúng ta còn quá trẻ để có thể cảm nhận được những mất mát và đau thương của chiến tranh. Nhưng dù ở thời nào, Nhân tin chắc rằng, dưới mái trường xưa, khoảng trời gói ghém bao buồn vui tuổi dại vẫn luôn vẹn nguyên trong ký ức mỗi người…”
Trúc Nhân một lần nữa thể hiện khả năng hoá thân vào các ca khúc có bề dày thời gian một cách mượt mà. Không cầu kỳ, Trúc Nhân và Hứa Kim Tuyền đã hát Trường làng tôi nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, ngọt ngào, cảm xúc.
Một ca khúc vô cùng xúc động, lần đầu tiên được ra mắt tại XHTĐRLX mùa 2, chính là Đến giờ cơm, một sáng tác của Minh Cà Ri. Đây vốn là một bài hát không hề phổ biến, thậm chí chưa từng có bản hoàn chỉnh. Hứa Kim Tuyền trong một lần xem tin tức thời sự về những đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ vì dịch Covid 19, đã nghe được giai điệu và ca từ bài hát, minh hoạ cho bản tin. Hứa Kim Tuyền cảm thấy rất đồng cảm, lập tức liên hệ với tác giả, để xin cho các nghệ sĩ biểu diễn trong chủ đề “Làng chài cha cha cha”. Lời bài hát mộc mạc, miêu tả bữa cơm trong căn nhà tranh mái lá của hai đứa trẻ vừa mồ côi, mơ về một gia đình còn quây quần đủ đầy ngày xưa. Phần lời giản đơn mà đầy hình ảnh của ca khúc đã chạm đến tất cả trái tim của khán giả có mặt tại buổi diễn.
Được giao thể hiện bài hát này, Ái Phương chia sẻ: “Khi Tuyền đưa cho Phương bài Đến giờ cơm, Phương nghe xong Phương khóc quá trời, vì quá chạm đến câu chuyện của mình. Mình rất nhớ người mẹ đã mất. Mình nhớ tới mâm cơm khi mình 3 tuổi. Mình nhớ tới ngôi nhà đầu tiên, nhớ khoảng thời gian tuổi thơ của mình…”
Orange tâm sự: “Nhiều người hay nói nghệ sĩ chả là gì ngoài cái danh là thợ hát. Ngày hôm nay từng câu từng chữ mọi người hát ra đều làm cho họ rơi nước mắt. Hi vọng khán giả cũng thấy được điều đó. Rằng nghệ sĩ cũng có trái tim, có cảm xúc, có vui buồn” |
Điều đặc biệt nhất trong tập 6 của XHTĐRLX mùa 2 có lẽ là những giọt nước mắt của Orange rơi xuống khi hát Cuộc gọi về nhà, ca khúc cô tự sáng tác dành tặng bà ngoại quá cố. Trước khi biểu diễn, cô em út vẫn còn rất hài hước: “Bây giờ em sẽ góp vui một bài hát cũng buồn không kém. Trong lúc tập, tất cả các anh chị ở đây đều khóc hết. Mình thì không. Trái tim mình chắc là chai sạn thiệt rồi. Cỡ nào cũng không khóc được. Không biết tại sao mình không khóc được nữa”.
Giữa không gian ấm cúng của sân khấu tại Làng ngư Mỹ Thạnh, câu chuyện của những thành viên khác khiến Orange cởi mở hơn khi chia sẻ chuyện của mình: “Bà ngoại khăn gói từ dưới quê lên thành phố nuôi em, thoắt cái hai mấy năm trời luôn. Em không tiếp xúc ba mẹ nhiều, cho nên lại khắc khẩu với ba mẹ hoài. Bà ngoại em chính là cầu nối giữa em và ba mẹ. Mỗi khi em gọi điện về nhà thường là bà ngoại em bắt máy. Đây là bài hát em dành tặng bà ngoại của em”.
Các thành viên của XHTĐRLX2 hay chọc ghẹo Orange là “cô em vô cảm”, hay “tấu hề” tỉnh bơ trong khi ai cũng sụt sùi. Thường cô em út chỉ lẳng lặng quan sát và động viên mọi người. Thậm chí có khi Orange còn chọc Ái Phương “yếu đuối”. Lúc tập luyện Orange cũng không hát bài hát này quá nhiều. Nhưng đến khi lên sân khấu, có lẽ những dồn nén bấy lâu của cô gái nhỏ cũng đến lúc phải vỡ oà. Orange đã phải ngừng lại không thể hát tiếp khi đến câu “ Đừng giận bà con nhé, biết sống thêm được bao lâu...”. Cô oà lên nức nở: “Mọi người nói em ra bài hát này lẹ đi tặng bà em, nhưng em chưa kịp làm thì bà em mất rồi”.
Trúc Nhân chia sẻ sau chương trình: “Sâu bên trong của Orange là một nội tâm rất phức tạp và sâu sắc. Cái vẻ bề ngoài hay tí ta tí tởn là để che giấu cái nội tâm phức tạp đó thôi.”
Orange bộc bạch: “Như lời dặn của bà ngoại em viết trong bài hát này là hãy cứ khóc khi con tổn thương. Nhưng lâu rồi em quên mất làm chuyện đó như thế nào. Rất cảm ơn ngày hôm nay đã nhắc cho em biết cảm giác khóc là như thế nào.”
Bên cạnh những khoảnh khắc xúc động, tập 6 còn có nhiều các bài hát rất lãng mạn trong những thước phim dung dị mà đẹp vô cùng của làng quê xứ Huế.
San San/Theo Văn Nghệ