Một trong những vấn đề gây tranh cãi tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo là trong khi các ứng dụng OTT (các ứng dụng và các nội dung như âm thanh, video được cung cấp trên nền tảng Internet) xuyên biên giới không chịu sự điều chỉnh của nghị định này thì các tổ chức, cá nhân Việt Nam lại bị siết chặt hơn.
Có thể bạn quan tâm:
Ông Lê Đình Cường, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) cho biết, Nghị định 38 một lần nữa cho thấy nhiều quy định pháp luật đã không theo kịp nền kinh tế số, nhiều quy định không còn phù hợp, cần phải sửa đổi, bổ sung. Ông nhắc lại Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình mà VNPayTV, các doanh nghiệp đã đề nghị sửa đổi từ nhiều năm nay.
Từ cuối năm 2018 đến nay, Hiệp hội đã gửi ít nhất khoảng 10 văn bản kiến nghị tới Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan quản lý và các cơ quan pháp luật... Hiệp hội cũng có văn bản chính thức gửi trực tiếp Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương kiến nghị sửa đổi Nghị định 06 nhằm bổ sung những nội dung mà trước đây khi ban hành nghị định chưa có nhưng hiện giờ có nhiều bất cập. Tức là chưa có nội dung quản lý về nội dung, chương trình, giấy phép đối với OTT xuyên biên giới.
Nghị định 06 trước đây không đề cập đến quản lý OTT xuyên biên giới là bởi vì thời điểm ấy chưa có công nghệ phát triển truyền hình trực tuyến như hiện nay. Tuy nhiên, hiện nay, với sự phát triển và xâm nhập mạnh mẽ của các OTT nước ngoài, để tạo ra một sân chơi công bằng hơn, phải có những quy định phù hợp cho các doanh nghiệp truyền hình xuyên biên giới.
Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, vấn đề này cũng đã được các đại biểu đưa ra chất vấn, trong đó nhấn mạnh cần phải thay đổi hành lang pháp lý sao cho quản lý được dịch vụ truyền hình xuyên biên giới, đảm bảo sự cạnh tranh và tránh thất thu thuế.
Theo ông Lê Đình Cường, một khi Nghị định 06 được sửa đổi, bổ sung, nó cũng sẽ hỗ trợ quản lý các nội dung quảng cáo trên các ứng dụng OTT xuyên biên giới. "Khi Nghị định 06 được sửa đổi sẽ có những quy định khá chặt chẽ liên quan đến hoạt động của các OTT xuyên biên giới vì chúng được rút ra từ rất nhiều bài học", ông Lê Đình Cường nói.
Các nền tảng xuyên biên giới có tiềm lực tài chính và công nghệ lớn mạnh, lại không chịu các cơ chế kiểm duyệt cũng như chưa thực hiện kịp thời các nghĩa vụ thuế với Việt Nam |
Hiện VNPayTV và các doanh nghiệp vẫn đang mong chờ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình được ban hành. Ông Lê Đình Cường khẳng định, đây là hành lang pháp lý hoàn chỉnh, quản lý được các dịch vụ cung cấp nội dung truyền hình xuyên biên giới, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước".
Cũng cho ý kiến về vấn đề này, LS Trương Xuân Tám, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, nhìn vào một số quy định tại Nghị định 38 có thể thấy sự bất bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân trong nước với mạng xã hội Facebook, Google và các ứng dụng OTT khác...
Theo vị luật sư, đối tượng điều chỉnh của Nghị định 38 là những cá nhân, tổ chức hữu hình, cụ thể, có thể kiểm tra được, sờ nắm được. Trong khi đó, các nền tảng như Google, Facebook hay các ứng dụng OTT khác thì không bị áp dụng.
Điều này xuất phát từ nhận định, đánh giá, quy định của pháp luật Việt Nam rằng mạng xã hội, Youtube... không phải là cơ quan báo chí. Đúng là các nền tảng này không phải là nền tảng báo chí nhưng chúng đang hoạt động cạnh tranh trên cùng một mặt trận, đó là trên không gian mạng. Như vậy, có sự bất bình đẳng ở khía cạnh tạo lợi thế quảng cáo, có thể thấy rõ các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam, trong đó có các cơ quan báo chí bị thiệt thòi.
Với quy định phạt tiền cho hành vi thiết kế "thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây", thời lượng này là quá ngắn và không phù hợp với thực tiễn. Trong khi đó, độc giả, người dùng đã được trao quyền tiếp nhận hay từ chối quảng cáo khi các đơn vị cung cấp quảng cáo đều thiết kế phần chủ động tắt-mở quảng cáo cho người dùng.
Nghị định 38/2021/NĐ-CP được cho là làm khó các cơ quan báo chí, tạo thuận lợi cho các mạng xã hội, ứng dụng OTT trong cạnh tranh |
LS Trương Xuân Tám khẳng định, quy định của pháp luật phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức và công dân phát triển tốt. Một số quy định bất hợp lý tại Nghị định 38 tạo môi trường cạnh tranh thiếu công bằng, thiếu bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân, trong đó có các cơ quan báo chí Việt Nam với các nền tảng xuyên biên giới.
Để tạo một sân chơi bình đẳng, lành mạnh, LS Trương Xuân Tám cho rằng phải sửa từ luật. Theo đó, Luật Quảng cáo đã ra đời từ năm 2012, Nghị định 158/2013/ NĐ-CP và Nghị định 38/2021/NĐ-CP thay thế cho nghị định này đều được xây dựng căn cứ trên cơ sở luật. Tuy nhiên, Luật Quảng cáo 2012 đã lạc hậu, đối tượng, phạm vi điều chỉnh của luật đều liên quan đến các cơ quan báo chí, tổ chức doanh nghiệp trong nước, tổ chức xã hội-nghề nghiệp mà không hề có các nền tảng xuyên biên giới, mạng xã hội, ứng dụng OTT.
"Bởi luật đã quy định như vậy nên nghị định không thể được mở rộng đối tượng hơn luật, nghị định chỉ hướng dẫn thi hành luật mà thôi. Luật Quảng cáo 2012 đã lạc hậu, đã đến lúc phải nghiên cứu để sửa", LS Trương Xuân Tám nêu rõ và cho rằng điều này hoàn toàn có thể làm được.
Ông dẫn chứng, trước đây vấn đề thu thuế của những người bán hàng online được đánh giá là rất khó bởi không biết họ ở đâu mà thu, nhưng rồi đến nay Việt Nam cũng thu được. Tương tự, trước đây các ứng dụng gọi xe như Grab rất khó khăn trong quản lý nhưng rồi Việt Nam cũng quản lý được.
"Bởi vậy, cần phải sửa luật để có cơ chế có thể kiểm soát được các nền tảng xuyên biên giới, buộc các chủ thể này phải có trách nhiệm. Khi đã có cơ sở pháp lý, các nền tảng xuyên biên giới xảy ra vi phạm, chẳng hạn nội dung trái thuần phong mỹ tục, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, nhân dân Việt Nam thì cơ quan chức năng Việt Nam có quyền chặn và chặn một cách công khai, theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các nền tảng này đã hoạt động và có doanh thu trên lãnh thổ Việt Nam thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước Việt Nam.
Một khi chúng ta có cơ sở pháp lý mà các nền tảng xuyên biên giới hoạt động ở Việt Nam, không thực hiện đúng quy định của pháp luật Việt Nam, không thực hiện nghĩa vụ đóng thuế với Nhà nước Việt Nam thì chúng ta cũng có cơ chế để kiện họ ra tòa", LS Tám phân tích.
Riêng đối với Nghị định 38, khi các hiệp hội, cơ quan báo chí và chuyên gia lên tiếng về sự bất hợp lý của Nghị định này, vị luật sư cho rằng, Bộ VH-TT-DL cần chủ trì lấy ý kiến một lần nữa, nếu bất cập thì vẫn có thể kiến nghị Chính phủ ngừng thi hành.
"Trước đây, Quốc hội khóa XIII đã ra nghị quyết bất thường cho tạm dừng Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định các điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần ngay sau khi ban hành và luật chưa có hiệu lực thi hành. Đây là một tiền lệ chưa bao giờ có trong lịch sử pháp luật Việt Nam. Pháp luật sinh ra là để phục vụ cuộc sống, phục vụ con người, điều gì bất cập hay để lọt lưới thì cần hoãn thi hành để điều chỉnh lại", LS Trương Xuân Tám bày tỏ quan điểm.
Phương Nam/Theo Văn Nghệ