Chọn khung cảnh là ban công của ngôi nhà đầu tiên do chính tay mình mua được sau 10 năm miệt mài hoạt động nghệ thuật, Vũ Cát Tường tận hưởng cảm giác tự do trong một buổi chiều thảnh thơi, không bị những lịch trình show diễn “bủa vây” như mọi khi. Đó cũng là lúc mà tác giả Tìm hành tinh khác nói về câu chuyện “Dừng lại để nhìn lại”.
Có thể bạn quan tâm:
62 ngày trước 30 tuổi, tức chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là bước sang một ngưỡng cửa quan trọng của đời mình, Vũ Cát Tường nhận thấy “vũ trụ gửi tín hiệu” cho mình để giúp cho bản thân phải thay đổi. “Nếu không có những biến cố sau đại dịch COVID-19 để ngăn Tường lại, thì chắc Tường cũng chúi đầu xuống giống như cú ngã của Inner Me”.
Vũ Cát Tường mượn cho sự cố ngoài ý muốn trong concert của mình để nói về những khoảnh khắc “đi sai đường, nghĩ sai hướng”: “Ngày trước, có những cuộc thi mà Tường rớt từ vòng gửi xe. Kể cả khi ba mẹ Tường đã cố gắng gom góp để Tường đi học và thi vào Nhạc viện chuyên khoa Piano thì không được thi vì lúc đó người ta đưa ra độ tuổi xét tuyển từ năm 1993 trở đi mới được thi. Những lần bị từ chối liên tục xảy ra như vậy, bản thân Tường nghĩ để có một người đến yêu mình, đến thương mình nó quá xa xỉ”.
Cũng chính vì vậy, khi bắt đầu có thành tựu và được công nhận, Vũ Cát Tường như một con thiêu thân, lao vào công việc mà không ngó ngàng đến sức khoẻ, thậm chí chẳng màng đến việc mình có đang đi đúng hướng hay không, chỉ biết chạy một mạch đến “cái đích” mà bản thân đang vạch ra.
“Đã có lúc bản thân Tường nghĩ mình càng sáng tác nhiều hơn, mình càng làm concert nhiều hơn thì mình sẽ càng bớt bất an hơn vì điều đó sẽ càng thấy được giá trị của mình hơn. Nhưng tất cả chuyện đó không xuất phát từ chuyện là mình tham mà nó xuất phát từ chuyện là mình sợ. Tường sợ người khác sẽ quên mình, sợ người khác không nhìn thấy những giá trị mà mình đã đóng góp, Tường sợ từ chính bản thân mình chưa đủ”.
Và 2020 - một năm mà cả thế giới không thể nào quên được với đại dịch COVID-19 xuất hiện, bùng phát và lan rộng toàn cầu. Vũ Cát Tường cảm tưởng năm đó là thời điểm vô cùng trầm lặng, có quá nhiều biến cố xảy ra với mình.
Đầu tiên, giọng ca Có người đã chia tay người yêu, một mối quan hệ gắn bó với Tường từ rất lâu. Sau đó là những kế hoạch bị hoãn lại, từ album tiếng Anh mà Vũ Cát Tường làm cùng với producer âm nhạc của mình ở Los Angeles cho đến dự án VCT Tour 2020 mở rộng sang Hàn Quốc. “Tất cả những cái kế hoạch mà mình nghĩ ra và chuẩn bị thực hiện thì vũ trụ khiến Tường phải dừng lại hết. Chúng ta phải có biến cố, có những đổ vỡ, có những cái thất bại, kể cả những cái cú twist làm cho mình hụt hẫng, khủng hoảng thì con người chúng ta mới học những bài học mà vũ trụ gửi tới cho chúng ta”.
Đó cũng là lúc Vũ Cát Tường chiêm nghiệm và nhận ra, bản thân phải dừng lại để nhìn lại. Theo quan điểm của chủ nhân chuỗi bài hit nổi tiếng, trong cuộc sống của chúng ta sẽ có những khoảnh khắc mà bản thân được gửi những cái tín hiệu nên dừng lại. “Dừng lại để nhìn lại, những cái tín hiệu sẽ được thể hiện qua là tự nhiên có một cái biến cố nào đó xảy ra. Bản thân Tường rất là thích lên kế hoạch và thực thi nó nhưng tự nhiên đến lúc đó nó lại khó diễn ra và gặp trục trặc. Tường nghĩ dường như cú ngã của Inner Me là một người nhắc nhở bản thân Tường chậm lại. Trong bài hát mới của Tường có một câu ghi là “Sinh ra ta cứng đầu bất cần”, Tường nghĩ nếu mà có người dạy được mình thì chắc chỉ có vũ trụ dạy được Tường thôi”.
Cũng chính vì thế, trong 2 năm vừa qua, bản thân Vũ Cát Tường cảm thấy nó vừa đủ để nhìn nhận lại xem mình đang làm việc, phấn đấu, chiến đấu vì cái gì. Và đã có những lúc Tường cảm thấy những vấn đề mình đang nghĩ, nó rất là vô nghĩa. Thậm chí đã có lúc Tường cảm tưởng như mình không được đón nhận. Vũ Cát Tường bị chính áp lực là “đầu tàu của một nhóm” đè nén, yêu cầu bản thân phải liên tục dẫn đường, phải chạy không ngừng mà quên cả việc cho mình hay mọi người một khoảng nghỉ.
“Tôi nghĩ những người với vai trò là lead thì họ luôn mong muốn mỗi một năm sẽ làm được những cái thành tựu mới không phải cho mình mà cho team của mình, cho những người đồng hành của mình, cùng đi trên con đường với mình. Nhưng có những tín hiệu mà mình nhận được để buộc ta chậm lại, dừng lại và nhìn lại”.
Vũ Cát Tường thừa nhận, ngày còn trẻ mình sẽ có những cái khẩu hiệu như là “Hãy đi đến cùng của ước mơ của mình”, còn bây giờ, giọng ca The Old You tập buông bỏ bớt những chấp niệm của mình, “mỗi người buộc phải đi tìm con đường của mình là một phần trong cái hợp đồng mà bạn đã kí với vũ trụ. Tường nhận ra, cuối cùng mình đi chỉ để đi chứ không phải đi để đến.
Đặc biệt Tường cũng nhận ra là con người chúng ta quá nhỏ bé để có thể kiểm soát một cái gì. Càng lúc Tường càng nhận thấy được giá trị của chuyện chờ đợi, để đợi cái hạt mầm của mình gieo nó chín muồi theo thời gian. Kể cả những cái ý tưởng và những cái suy nghĩ của bản thân mình khi mà gieo hạt giống đó không phải đợi nó chín liền mà 1 đến 2 năm sau nó mới chín thì lúc đó bản thân mình mới thấy được cái bức tranh nó rộng đủ, nó sâu đủ”.
Trong 2 năm với nhiều biến chuyển cuộc sống từ đại dịch COVID-19, Vũ Cát Tường đã đi qua nhiều sự mất mát, từ tình yêu đôi lứa, sự ra đi của Nội và những kế hoạch bị dang dở. Tuy nhiên, những điều đó khiến cho ca sĩ Leader nhận ra, không phải cái gì thì ta cũng có thể kiểm soát được.
“Tôi không cảm nhận được điều đó trước những năm 30 tuổi. Tôi từng làm rất nhiều thứ, từ công việc cho đến cuộc sống, vì muốn đạt được cái A, cái B chứ bản thân không có được cái cảm giác hào hứng, hân hoan trước khi bắt tay vào làm. Có một câu nghe có vẻ đơn giản muốn gửi tới những bạn thấy bản thân mình đang chạy quá nhanh, Tường nghĩ là nó phù hợp với chúng ta “Chạy quá nhanh nhưng cũng đừng quên hít thở”.
Trước thềm tuổi 30, Vũ Cát Tường nhận thấy chưa muộn để bản thân nhận ra những điểm sai trong tư duy của mình, chưa muộn để bắt đầu thay đổi, sửa chữa và hoàn thiện. Tuổi 30 là một trong ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời mỗi người, và Vũ Cát Tường tin rằng, khi ta có nhận thức đúng, ta biết thay đổi thì ta sẽ làm đúng.
Phương Nam/Theo Văn Nghệ