November 23, 2024, 9:06 am

Ngọc Hân tổ chức triển lãm tranh cho cố hoạ sĩ Bửu Chỉ

Sau khi trở thành Giám đốc ngoại giao của một tập đoàn kinh tế, Hoa hậu trực tiếp tham gia mảng phát triển nghệ thuật tại các khu nghỉ dưỡng cao cấp của công ty. Hơn một năm qua, cô đã gặt hái khá nhiều dấu ấn khi đứng ra tổ chức liên tiếp 6 triển lãm tranh tại Đà Lạt, tạo được tiếng vang nhất định với công chúng yêu mỹ thuật, hội hoạ, đồng thời góp phần đưa Đà Lạt trở thành điểm hẹn nghệ thuật quen thuộc. 6 triển lãm tranh mà Ngọc Hân thực hiện gồm: Gặp gỡ Đà Lạt, Mây Đông Dương, Những bé gái Ballet, Cho mùa gió, Đà Lạt – thành phố nghệ thuật và mới đây nhất là triển lãm Tay níu thời gian cho cố hoạ sĩ Bửu Chỉ. 

Có thể bạn quan tâm: 

Hoa hậu Ngọc Hân vừa đảm nhận vai trò MC đồng thời là BTC của triển lãm tranh Tay níu thời gian nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất họa sĩ Bửu Chỉ - một trong những danh họa cô rất yêu thích.

 

z4215181994195_b271b69db2dc1378d5505176a9b70e4f.jpg/
 

“Từ sự kiện triển lãm tranh đầu tiên còn bỡ ngỡ đến những thành công bất ngờ của các triển lãm sau này là sự nỗ lực không ngừng học hỏi của bản thân tôi và các cộng sự. Tôi được đào tạo bài bản về ngành thiết kế nên đã có sẵn nền tảng kiến thức về mỹ thuật. Tuy nhiên để có thể tổ chức 6 triển lãm liên tục trong suốt hơn 1 năm là điều không hề dễ dàng. Tôi cảm thấy may mắn vì thời gian qua có cơ hội gặp gỡ những hoạ sĩ, giám tuyển, cộng sự… có cùng tâm huyết để đồng hành cùng tôi trong các dự án”, Ngọc Hân cho biết.

 

3
 

Hoa hậu cũng chia sẻ thêm, nhờ hoạt động ở công việc mới, cô đã trưởng thành hơn và  ngày càng khám phá ra những khả năng mới của bản thân. Cô nghiệm ra rằng, “Không bao giờ là quá muộn để đặt ra mục tiêu hay chinh phục một giấc mơ mới. Đừng bao giờ đặt ra giới hạn cho mình, hãy để bản thân không ngừng được tôi luyện trong thử thách mới”. 


Với các dự án triển lãm tranh tại Đà Lạt, Ngọc Hân mong sẽ góp phần quảng bá tên tuổi cho nhiều hoạ sĩ, đưa những tác phẩm của họ đến gần hơn với công chúng. “Nghệ thuật không phải là điều quá xa vời bởi đích đến của nghệ thuật là chạm vào tâm hồn của con người. Mỗi khi tâm trạng đi xuống, hãy dành thời gian đi nghỉ dưỡng và ngắm tranh, bạn sẽ thấy tâm hồn được chữa lành và xoa dịu một cách diệu kỳ. Một ngôi nhà đẹp, một chiếc xe đẹp bạn có thể trầm trồ nhưng một tác phẩm nghệ thuật đẹp sẽ khiến bạn xúc động”, cô nói.

 

Ngọc
Giám tuyển Lý Đợi giao lưu với Hoa hậu Ngọc Hân tại buổi khai mạc triển lãm

 

Ở triển lãm mới nhất Tay níu thời gian vừa được khai mạc vào hôm 26/3 tại Đà Lạt, Ngọc Hân muốn dành để tôn vinh cố hoạ sĩ Bửu Chỉ. Người đẹp và nhiều vị khách mời nữ đều chọn áo dài truyền thống như cách để nhớ về cố hoạ sĩ người gốc Huế. Nếu như trong âm nhạc, Trịnh Công Sơn là một tượng đài của những nhạc phẩm đậm tính triết lý nhân sinh thì trong hội họa, tượng đài ấy là Bửu Chỉ.

 

Không được cất lên bằng giai điệu và thanh âm như nhạc Trịnh, những khổ đau của Bửu Chỉ lại được ẩn hiện trong từng nét vẽ. Sau khi qua đời, tranh Bửu Chỉ trở thành của hiếm được nâng niu cất giữ ở nhiều nơi, riêng lẻ. So với nhạc Trịnh Công Sơn - thứ tài sản phi vật thể ai cũng có thể “sở hữu”, ai cũng thuộc và hát lên khi tâm trạng, thì với Bửu Chỉ, để công chúng được “nghe” các bức họa của ông “khắc khoải cất lời” thực sự là điều hiếm hoi.

 

Hoạ
 

Triển lãm Tay níu thời gian là cơ duyên để những người yêu hội họa nói chung và họa sĩ Bửu Chỉ nói riêng có thể thỏa đam mê, đắm chìm và khám phá những nỗi niềm sâu thẳm của “trường phái Bửu Chỉ”. Triển lãm trưng bày hơn 30 tác phẩm, được họa sĩ Bửu Chỉ sáng tác qua nhiều thời kỳ khác nhau với chất liệu đa dạng như sơn dầu trên giấy, canvas, vải bố, bột giấy trên vóc…

 

Ngoài các tác phẩm và câu chuyện hội họa của Bửu Chỉ, triển lãm cũng giới thiệu đến công chúng cuốn sách nghệ thuật cùng tên, phiên bản giới hạn, gồm tiểu sử của họa sĩ, các tác phẩm và các bài viết về ông. Cuốn sách một phần nào đó giúp cho độc giả - đặc biệt giới trẻ - bước sâu hơn vào cuộc đời, các mối quan hệ cũng như là phong cách, nguồn cảm hứng sáng tác của ông.

 

7
 

Theo giám tuyển Lý Đợi: “Sau TP HCM, chúng tôi đã cân nhắc rất nhiều nơi và quyết định lựa chọn Đà Lạt là địa điểm tiếp theo để thực hiện triển lãm ‘Tay níu thời gian’ bởi không gian di sản mộng mơ và nhiều hoài niệm chắc chắn sẽ mang lại những trải nghiệm khác biệt cho người thưởng lãm. Người yêu nghệ thuật đã có thể tiến gần hơn để hòa mình cùng với những đau đáu, những nỗi niềm khắc khoải của một ‘trường phái Bửu Chỉ’ độc đáo, vị nhân sinh và phản ánh tư duy của cả một thời đại”.

Phương Nam/Theo Văn Nghệ


Có thể bạn quan tâm