NSƯT Bùi Công Duy đang có chuyến lưu diễn và giảng dạy từ ngày 1/03 đến 6/03 tại Nursultan - thủ đô của Kazakhstan theo lời mời của nghệ sĩ violon nổi tiếng thế giới, GS. NSND Aiman Mussakhajaeva - Giám đốc Trường Đại học nghệ thuật Quốc gia Kazakhstan - người từng đoạt giải thưởng trong các cuộc thi Violon danh giá thế giới như Paganini năm 1981, Sibelius năm 1985 và Tchaikovksy 1986.
Có thể bạn quan tâm:
Chia sẻ với truyền thông, NSƯT Bùi Công Duy bày tỏ niềm tự hào và vinh dự khi đây là lần thứ 3 được mời đến giảng dạy tại Trường Đại học nghệ thuật Quốc gia Kazakhstan. Trước đó, lần thứ nhất vào năm 2016 khi anh được mời là thành viên ban giám khảo cuộc thi Violin quốc tế tổ chức tại Kazakhstan. Lần thứ hai vào năm 2017 khi Bùi Công Duy tham dự ban giám khảo Cuộc thi Âm nhạc quốc tế Tchaikovksy giành cho các nghệ sĩ trẻ.
“Những ngày này Kazakhstan đang rất lạnh tuy nhiên tình cảm của các giáo sư, tiến sĩ, giảng viên, học sinh ở Đại học nghệ thuật Quốc gia Kazakhstan và đặc biệt các khán giả nơi đây khiến tôi thấy vô cùng ấp áp. Chuyến lưu diễn này không chỉ là dịp để tôi trao đổi các kỹ năng liên quan đến chuyên ngành mình đã có kinh nghiệm giảng dạy và biểu diễn mà cũng là dịp học thêm những điều mới mẻ của bạn bè quốc tế’’.
Bên cạnh các buổi giảng dạy, tối 3/3, NSƯT Bùi Công Duy đã tham gia buổi hoà nhạc tại Phòng hoà nhạc trung tâm với 3500 chỗ ngồi. Đây là một trong những phòng hoà lớn và tốt nhất tại Astana - nơi biểu diễn của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thế giới.
Dưới sự dẫn dắt của nhạc trưởng lỗi lạc người Anh Thomas Sanderling và sự tham gia của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Kazakhstan, NSƯT Bùi Công Duy phần 1 đã trình diễn thành công bản Concerto của Mendelssohn cung mi thứ, opus 64. Phần 2 là bản giao hưởng số 4 cung mi thứ, opus 98 của J. Brahms.
Cũng trong buổi biểu diễn này, lần đầu tiên Bùi Công Duy phải đối diện một phen ‘’thót tim’’ khi trình diễn đến giữa chương 2 bản Concerto Mendelssohn thì đàn bất ngờ bị tụt dây và để chơi tiếp không dừng lại anh đã nhanh tay mượn và đổi đàn với concertmaster của dàn nhạc để bắt nhịp kịp thời tiếp tục trình diễn đến hết chương trình bằng cây đàn lạ.
“Những trường hợp nghệ sĩ đang chơi đàn gặp những sự cố cũng từng xảy ra trên thế giới nhưng thường rất hãn hữu. Với tôi đây là một trải nghiệm đáng nhớ và lần đầu tiên đến trong sự nghiệp biểu diễn. Rất may tôi không bị lúng túng mà kịp xử lý tình huống nhanh nhất và hợp lý nhất có thể để không làm gián đoạn cảm xúc của người xem. Những tràng vỗ tay kéo dài của khán giả sau tiết mục biểu diễn như một sự khích lệ của họ dành cho tôi’’ - NSƯT Bùi Công Duy trải lòng.
Phương Nam/Theo Văn Nghệ