K-ICM cùng APJ vừa tổ chức fansign - buổi ký tặng và giới thiệu CD album Ai mang cô đơn đi. Chỉ trong vỏn vẹn vài ngày mở bán và ký tặng, 1.000 đĩa vật lý đã được tiêu thụ toàn bộ (theo Hãng Đĩa Thời Đại). Đây là một thành tích đáng kể đối với K-ICM và APJ trong bối cảnh thị trường âm nhạc đang ưa chuộng hình thức phát hành sản phẩm lẻ hoặc nhạc số.
Có thể bạn quan tâm:
K-ICM cho biết một đĩa nhạc sẽ giúp anh có thể níu chân khán giả lâu hơn, cùng họ chia sẻ nhiều niềm vui, nỗi buồn, cảm xúc thông qua âm nhạc là lý do anh vẫn quyết định phát hành album. Nhà sản xuất nói thêm, anh hài lòng với tất cả những gì nhận được từ sản phẩm và không ngại đón nhận ý kiến trái chiều.
"Đặc ân của một nghệ sĩ là được cống hiến cho khán giả và tạo ra nhiều giá trị nghệ thuật. Dù thị trường nhạc số phát triển đến đâu, album, đặc biệt là đĩa vật lý, vẫn là khoảng không gian lý tưởng, tạo nhiều cảm hứng nhất để nghệ sĩ có thể thoả sức vẫy vùng. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa rằng tôi là người thờ ơ với xu hướng âm nhạc hoặc ra album trong tâm thế “bất cần” thị trường.
Tôi có niềm tin vào fan của mình, vì họ đã luôn bên cạnh ủng hộ tôi trong những thời khắc đen tối nhất. Còn về việc chinh phục những đối tượng khán giả khác, tôi sẽ cố gắng kết hợp các phương thức quảng bá hiện đại, hợp thời nhưng vẫn truyền tải được giá trị của album" - K-ICM chia sẻ.
Ban đầu, CD album Ai mang cô đơn đi là một dự án âm nhạc được K-ICM đầu tư để khẳng định vai trò đại diện của producer. Các demo được phát triển bởi APJ với vai trò nhạc sĩ.
Tuy nhiên, sau thành công bất ngờ của ca khúc Ai mang cô đơn đi (hiện đạt gần 60 triệu lượt xem trên YouTube và hơn 100 triệu lượt nghe trên Zing MP3), K-ICM muốn đẩy mạnh vai trò ca sĩ của APJ để tạo độ nhận diện tối đa đối với khán giả.
"Nếu tính từ thời gian được công ty phát hiện cho đến khi debut làm nghệ sĩ, mọi thứ đến với tôi quá nhanh, thậm chí chỉ bằng một nửa thời gian đào tạo, làm thực tập sinh của các nghệ sĩ mới. Do đó, dự định ban đầu của tôi là chỉ muốn làm quen dần dần với vai trò nhạc sĩ hoặc thu vocal. Nhưng không ngờ K-ICM lại quyết định 'chơi liều', muốn tôi phải đẩy mạnh cả vai trò sáng tác lẫn hát. Đến giờ trong tôi vẫy thấy lâng lâng, vì không ngờ chỉ mới hoạt động chưa tới nửa năm mà đã có trong tay đầy đủ bài hit lẫn album. Điều đó thôi thúc tôi phải nỗ lực hết sức, chấp nhận yêu cầu khắt khe hơn từ K-ICM để hoàn thiện sản phẩm cả phần nghe lẫn phần nhìn", APJ tiết lộ.
Cả K-ICM và APJ đều thừa nhận rằng thành công của Ai mang cô đơn đi khẳng định vai trò quảng bá của ca khúc đối với album, góp phần giúp CD cùng tên được khán giả đón nhận và tiêu thụ rộng rãi.
Cái bắt tay giữa K-ICM và APJ qua CD album Ai mang cô đơn đi được xem là sự cộng hưởng giữa hai vai trò âm nhạc khác biệt nhưng có cùng mẫu số chung: dòng nhạc hiện đại mang âm hưởng truyền thống.
Song lần này, các bài hát trong album đều được sản xuất đồng nhất bởi những tiếng nhạc cụ thật như sáo, đàn nhị, đàn hạc, đàn tranh thay vì xử lý qua công nghệ VST (Virtual Studio Technology) như các sản phẩm trước.
"Tôi sử dụng rất nhiều nhạc cụ khác nhau vì album này mang màu sắc kết hợp giữa Lofi và màu sắc âm nhạc Việt Nam, chẳng hạn đàn tranh ("Ai mang cô đơn đi"), sáo trúc ("Xin cô đơn đi"), đàn nhị ("Ai mang em đi"). Nếu nghe kỹ, khán giả sẽ nhận ra tiếng đàn harp, hay còn gọi là hạc cầm trong Xin cô đơn đi. Nhạc cụ này xuất hiện khá ít trong bài nhưng nó mang lại cảm giác vừa mộc mạc, vừa thuần khiết chứ không bị lạm dụng, lấn át tổng thể ca khúc", K-ICM tiết lộ tiêu chí sản xuất các ca khúc.
Sau CD album Ai mang cô đơn đi, K-ICM và APJ tạm khép lại màu nhạc Ngũ Cung và sẽ thử sức với những thể loại khác, vì cả hai luôn mong muốn đưa tới khán giả những màu sắc âm nhạc đa dạng.
Phương Nam/Theo Văn Nghệ