Đây là triển lãm màu nước lần thứ 3 của họa sĩ Hồng Quân, trưng bày hơn 60 tranh, phản ánh sức làm việc và sự chuyên tâm của anh với chất liệu này. Sau hai triển lãm cá nhân Sông nước miền Tây (tháng 10/2019) và Những gì yêu thương nhất (tháng 1/2022), Hồng Quân đã có nhiều bước chuyển tinh tế về kỹ thuật trong các phẩm tại Ngày nắng, dù chủ đề vẫn tiếp nối các triển lãm trước.
Có thể bạn quan tâm:
Tranh màu nước của Hồng Quân chú trọng vào tình cảm trong cách sắp xếp bố cục, màu sắc, đường nét, thậm chí trong từng nhát cọ… Kiểu như không đủ tình cảm thì không vẽ. Cách anh chuyển tải thông điệp cũng rất tình cảm, ý tứ nhẹ nhàng, giống như người bạn đường của đời thường. Trên các hành trình đó, anh ghé lại thủ thỉ cùng cảnh vật, cùng sự kiện, đôi khi chỉ là một công việc, một cánh chim, một nếp sống lặng lẽ, bình dị… Về điểm nhìn, Hồng Quân dần thay đổi từ các nhìn phân tích sang nắm bắt, hướng đến năng lượng tích cực trong tư duy sáng tạo, cách kể chuyện.
Tranh màu nước đòi hỏi người vẽ khả năng kỹ thuật xử lý nhanh, linh hoạt, tinh tế và điêu luyện. Là một chất liệu khó thực hiện, nhưng lại thu hút nhiều họa sĩ bởi sự tiện dụng, nhỏ gọn, không cồng kềnh như các chất liệu khác. Hầu như ai cũng từng vẽ màu nước, thường ở mục đích ghi chép, ký họa làm tài liệu. Tuy vậy, không có nhiều người chuyên tâm dành tất cả thời gian, công sức cho việc sáng tác bằng chất liệu này. Trong các họa sĩ sáng tác bằng màu nước tại TP.HCM, Hồng Quân là gương mặt gây chú ý bởi sự kiên trì và đam mê chất liệu. Tranh của anh xuất hiện đều đặn trong các triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm trong nước và quốc tế.
Bút pháp của anh dày dặn, nhiều bức đi sâu vào sự tả, chi li trong chi tiết, chiều sâu trong viễn cận không gian, giống như tranh sơn dầu. Bảng màu sáng, sạch, đằm thắm, nên dễ dàng diễn tả được các yêu cầu thực tế của vạn vật, vì dục sắc non của hoa lá, độ trong của nước, sự tươi của cá, sự hoen rỉ của sắt thép, sự sần sùi của bê tông…
Họa sĩ Nguyễn Trung Tín nhận định: “Giữa một không khí sáng tác sôi động của các trào lưu nghệ thuật mới, nhiều cách biểu đạt mang tính cách tân và ngôn ngữ hậu hiện đại, tranh của Hồng Quân lại đưa người xem trở về những giá trị xưa kia, với cái nhìn chân thành về vẻ đẹp bình dị. Lối vẽ đi ngược trào lưu này tạo ra điểm khác biệt cho tác phẩm, tạo sự chú ý cho công chúng.
Tranh anh có nét hiền hòa, dễ mến như chính con người anh, đơn giản, chân chất của người miền Tây, không chạy theo những biến động của hình thức đương đại. Bằng lòng với thế giới xung quanh, miễn là đủ các chất liệu yêu thương, gắn bó với mình. […]. Tranh anh thu hút người xem bằng sự trải lòng, giãi bày tình cảm, với lối vẽ giản dị nhưng chuyên sâu, mạch lạc trong chi tiết, phải xem lâu mới mến, nhìn kĩ mới thương”.
Phong cảnh, đặc biệt là cảnh sắc sông nước vùng châu thổ Cửu Long giang đã đi vào tranh Hồng Quân thật tự nhiên, đằm thắm và ngọt ngào như giọng hò của cô gái khăn rằn chèo đò trên những dòng sông quê yên bình, như câu vọng cổ thật “mùi” trong những đêm hát ca tài tử sau thu hoạch vụ mùa.
Đầu thập niên 1980, sau khi học xong mỹ thuật hệ trung cấp, Hồng Quân đã về nhận công việc thiết kế mỹ thuật sân khấu cho Đoàn văn công tỉnh Đồng Tháp (quê hương của má anh). Và chính những ngày theo chân đoàn văn công lưu diễn khắp các vùng sông nước Cửu Long, những ngày ngồi trên ghe thuyền lênh đênh trên kinh rạch, ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên và cuộc sống hiền hòa của người dân miền Tây Nam bộ đã trở thành vốn liếng tinh thần quý giá, đồng thời là một nguồn cảm hứng bất tận để hôm nay anh có được những tác phẩm dung dị nhưng gây “vấn vương trong lòng” khách thưởng ngoạn.
Khi được hỏi tại sao chọn màu nước để đi chuyên sâu, trong khi anh lại được đào tạo bài bản sơn dầu. Hồng Quân trả lời: “Thời còn đi học mình rất thích màu nước, nhưng nhà trường không dạy bộ môn này! Lần mò đi tìm công cụ để vẽ màu nước thời đó ít lắm và cũng không có nhiều để lựa chọn. Đến thời gian gần đây (khoảng 3-4 năm) mình mới biết màu nước có rất nhiều hãng để lựa chọn, bút lông và giấy chuyên nghiệp cũng vậy! Ngoài ra các công nghệ phục vụ màu nước cũng… quá trời luôn! Đi coi triển lãm về màu nước, mình cảm thấy rất yêu và thích. Sau triển lãm quốc tế tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, mình quyết định chuyển sang vẽ màu nước luôn”.
Hoạ sĩ Hồng Quân và hoạ sĩ Kim Bạch |
Xem tranh của con trai, NSƯT Phi Điểu viết: “Cũng đã lâu lắm rồi mà không viết thư cho ai, từ khi ba con đi về phía bên kia. Chỉ tiếc ông không kịp nhìn thấy sự trưởng thành của con qua vài lần triển lãm màu nước, vẽ sông nước miền Tây, quê hương của ba má. Có lẽ đâu đó ông cũng đã chứng kiến và phù hộ cho con trai qua những thăng trầm của cuộc đời và sự nghiệp, để nó có được sự nghiệp ngày hôm nay. Má lúc nào cũng bên con, mong anh em con luôn thương yêu nhau, gia đình hạnh phúc. Chúc con vững bền đi trên con đường đã chọn”.
Triển lãm cá nhân Ngày nắng của hoạ sĩ Hồng Quân được khai mạc lúc 9h30 ngày thứ Năm 5/1/2022 tại tòa nhà Lê Bảo Minh, 184 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP. Hồ Chí Minh.
Phương Nam/Theo Văn Nghệ