Với tiểu thuyết Dự án Cháy chợ (NXB Văn học), Trần Đạt Bạch Dương mang đến cho bạn đọc những suy tưởng thấm thía về thân phận những kiếp người dưới đáy xã hội khắc khổ trong những biến cố cuộc đời. Đồng thời, tác phẩm đề cao giá trị tình thần và tự chữa lành những tổn thương.
Có thể bạn quan tâm:
Ngày 7/5, buổi ra mắt sách Dự án Cháy chợ của tác giả trẻ Trần Đạt Bạch Dương tại TP. Hồ Chí Minh thu hút sự tham gia của đông đảo bạn đọc.
Trần Đạt Bạch Dương thuộc thế hệ Gen Z, anh sinh ra và lớn lên tại Gia Lai, hiện đang quản lý kinh doanh một công ty dịch vụ mảng Digital Marketing. Đầu năm 2020, anh bén duyên với con chữ từ chính trải nghiệm công việc và cuộc sống diễn tiếp từ TP. Hồ Chí Minh - Gia Lai - Kon Tum. Ý tưởng viết cứ liên tục xuất hiện trong đầu khiến anh phải hạ bút.
Dự án Cháy chợ là tác phẩm tiểu thuyết đầu tay của Trần Đạt Bạch Dương, mang đến những suy tư về thân phận con người mưu sinh trong một khu chợ tự phát. Cũng ở đó, tác giả đan xen những câu chuyện về thế sự, nhân sinh.
Kiên và Vũ là những người bạn, cùng sống nhờ nghề bảo kê và thu nợ tại một khu chợ tự phát ở quận 8 (TP HCM). Cuộc sống của họ không êm đẹp và đầy khuyết điểm, nhưng chứa đựng sự yêu thương và trách nhiệm của một gia đình. Vì vậy, họ buộc phải tìm cách bảo vệ gia đình mình khi bị những biến chuyển của thượng tầng dồn ép vào đường cùng.
Khác với họ, Đạt là một nhân vật được xây dựng theo tuýp người mộng mơ về một thế giới hiện đại và nghệ thuật. Chàng trai luôn cảm thấy cô đơn, vô cùng cao ngạo về tư chất của mình cũng như không gìn giữ những giá trị đáng có của tình thân.
Trong khi tìm hiểu về một bản thảo có tên “Cháy Chợ”, Đạt vô tình được tiếp xúc với Vũ và hiểu về thế giới của những người dưới cùng của xã hội. Thêm vào đó, nhận được lời mời của Vũ, Đạt từ từ nhúng mình vào những góc khuất cuộc sống trước giờ anh chưa từng trải qua. Khu chợ nhất định phải bị cháy, các nhân vật đều đã đồng ý và Dự án Cháy chợ ra đời. Đến cuối cùng, khi mọi thứ của khu chợ đã trở thành tro bụi, liệu họ có trở nên tốt hơn hay đạt được mục đích của mình?... Tác phẩm gợi ý kết thúc mở cho độc giả.
Khác với nhiều tác giả trẻ lựa chọn tình yêu hay các đề tài nhẹ nhàng khác cho tác phẩm đầu tay, Trần Đạt Bạch Dương lại chọn mảng đề tài về gia đình, thân phận con người và cuộc sống lao động. Hơn 300 trang viết thấm đẫm tâm sự của chính tác giả về “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” trong xã hội, về những kiếp nhân sinh nhỏ bé trong cơn lốc xoáy dữ dằn của thời cuộc. Trái tim đầy rung cảm nghệ thuật kết hợp với óc quan sát tỉ mỉ, độc đáo. Thủ pháp viết không quá hoa mỹ mà đầy tính chân thực giúp Trần Đạt Bạch Dương hoàn thành trọn vẹn cuốn sách đầu tay với chất lượng văn chương rất cao.
Qua những trang viết, độc giả sẽ nhìn thấy được một mảng cuộc sống của mình trong câu chuyện: Cô đơn nằm giữa núi rừng nghĩ về tình cảm cá nhân, bế tắc trong công việc hay không thể chia sẻ với người mẹ mà mình luôn-rất-muốn hòa thuận… Hay hành trình trải nghiệm của một người trẻ trước những vấp ngã đầu tiên, lạc lõng và không biết mình muốn gì.
Xuyên suốt nội dung tác phẩm, Trần Đạt Bạch Dương liên tục nhấn mạnh thông điệp yêu thương và gợi ý cách thể hiện sự quan tâm. Điểm nhấn là hình ảnh dân xóm chợ nghèo, dù mưu sinh vất vả vẫn thăm hỏi, quan tâm nhau. Hơn hết, trong trùng trùng chi tiết phụ lồng ghép tinh tế vào chi tiết chính thì tác phẩm gây ấn tượng với một vài chi tiết phức tạp được tác giả xây dựng một cách cách công phu, với giọng văn tự nhiên, điềm đạm, khách quan, không phán xét.
Một điểm đáng chú ý của Trần Đạt Bạch Dương trong tiểu thuyết Dự án Cháy chợ là nghệ thuật viết tiểu thuyết đầy sáng tạo và độc đáo. Tác giả biết tạo ra những nút thắt gay cấn, những bất ngờ và cả những khoảng lặng để người đọc chiêm nghiệm, suy ngẫm. Điều này giúp tác phẩm không bị rơi vào bi kịch hóa nhưng vẫn gợi lên nhiều sự trắc ẩn, đề cao giá trị tình thân, tình nghĩa anh em, sự chữa lành thương tổn.
Trong buổi ra mắt sách Dự án Cháy chợ, nhà văn Phương Huyền chia sẻ: “Theo tôi, sự xuất hiện của cây bút mới - Trần Đạt Bạch Dương là điều rất là đáng mừng. Tác giả lựa chọn văn chương là nơi giải tỏa những điều khó nói của người trẻ. Không những thế, anh biết cách quan sát, lắng nghe, chia sẻ những góc khuất cuộc sống từ những phận người mưu sinh ở xóm chợ để gửi gắm đến độc giả".
Nhà văn nói thêm: "Đặc biệt, tôi bất ngờ khi lần đầu “kết hôn” với văn chương, Bạch Dương lại chọn thể loại khó nuốt là tiểu thuyết. Tác giả tinh tế sử dụng thủ pháp khá hay là truyện lồng trong truyện. Từng nhân vật, từng tình tiết đan xen, xuất hiện khá tự nhiên giúp độc giả cuốn theo dòng sự kiện. Hạt mầm yêu thương được dẫn dắt qua những chi tiết nhỏ nhưng tạo ra sức bật lớn, gieo vào tâm trí độc giả cảm xúc nội tâm tích cực. Để rồi, tác giả truyền tải trọn vẹn thông điệp, con người ai cũng khao khát yêu thương và cần được yêu thương”.
Khép lại, Dự án Cháy chợ truyền tải một mảnh của khái niệm “gia đình” và sự bí bách trong số phận của một người. Tại sao người ta lại trở thành những con người như vậy? Tại sao chúng ta không lựa chọn trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình? Suốt một thời gian dài nghĩ về số phận của một con người, tác giả nhận ra được nhiều điều và cố gắng đưa những góc nhìn ấy vào tác phẩm của mình.
Trả lời về sự lồng ghép mảng bức tranh sáng - tối, hiện thực giàu - nghèo giữa các nhân vật, Bạch Dương cho hay: “Với các hình tượng nhân vật dễ gặp ngoài đời cùng loạt những mâu thuẫn, độc giả sẽ chiêm nghiệm ra rằng, có tuyến những nhân vật đủ đầy về vật chất nhưng thiếu thốn tình gia đình và ngược lại. Để rồi, bạn nhận ra, con người không ai hoàn hảo cả và cần sự cảm thông cho nhau. Sự cảm thông của con người với con người chừng như thắp lên hy vọng trong cuộc sống địa ngục tù túng”.
Từ đó, chúng ta cần bao dung, tha thứ cho người khác, tuy nhiên, sự tha thứ lớn hơn mà tác giả muốn nhắc đến trong cuốn sách này, đó là tha thứ cho những lỗi lầm chính mình.
San San/Theo Văn Nghệ