Cách làm mạnh tay của ông Đoàn Ngọc Hải đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân, có tác dụng lan tỏa mạnh mẽ tới công tác trật tự và quản lý đô thị toàn thành phố và tất cả các tỉnh thành trong cả nước, mở ra hướng đi mới cho vấn đề lấn chiếm vỉa hè mà nhiều năm nay vẫn chưa tìm được cách xử lý.
“Vỉa hè thông thoáng, ai đi bộ cũng thích, chẳng phải lo luồn lách, tránh mấy hàng ăn và bãi để xe nữa rồi”- Chú Linh, xe ôm.
Chị Thanh Hương – nhân viên một nhà hàng tại quận 1 chia sẻ: ‘’ Tôi hay đi bộ đi làm vì nhà gần, hàng ngày vẫn thấy tình trạng mọi người đi lên vỉa hè lấn át phần đường dành cho những người đi bộ như chúng tôi. Tôi cảm thấy bức xúc về điều này, tuy nhiên bây giờ thì khác rồi, không còn nhiều xe đi lên vỉa hè nữa”.
Bao giờ cũng vậy, có ý kiến đồng tình thì cũng có ý kiến phản đối từ những người bị xử phạt , những hộ dân đang kinh doanh và lấy vỉa hè làm nơi buôn bán, kiếm ăn hằng ngày. Chính vì thế trong quá trình ra quân, nhiều trường hợp hành hung người thi hành công vụ đã xảy ra. Mặc dù cũng có nhiều người hiểu và thông cảm nhưng cũng có nhiều trường hợp phản ứng mạnh, chống đối quyết liệt. Càng chống đối ông Hải càng làm mạnh tay.
Cùng với đó, có nhiều ý kiến cho rằng việc lập lại trật tự lòng lề đường trong thời gian qua không đạt được hiệu quả, việc kiểm tra và dành lại vỉa hè tới nay cũng đã lặng xuống, không còn rầm rộ như những ngày đầu. Đó là làm theo kiểu phong trào, rộ lên một thời gian rồi lại bỏ đó. Nói không nể nhưng xử lý không nghiêm, không loại trừ có tiêu cực.
Ra quân rầm rộ, xử lý nghiêm, bất kể bậc thang hay bồn cây lần chiếm vỉa hè cũng được đập phá, trả lại vỉa hè cho người dân. Thế nhưng, cảnh quan đô thị từ trước đến nay đã được xây dựng lên, quen mắt như vậy, bây giờ dỡ bỏ đi nhìn chỗ nào cũng nham nhở. Rồi người dân phải vá chỗ nọ, lấp chỗ kia tạo nên một sự bất cập không nhỏ.
“Bình thường nhà có bậc đi xuống, chứ giờ đập đi là hết có lối đi rồi, hàng ngày cứ bắc cái thang mà trèo lên nhà thôi”. “Lùi hàng quán vào trong buôn bán đâu có được như xưa nữa, trong nhà thì nhỏ hẹp, bàn không đủ cho khách ngồi nên tiền lời ít lắm, khách cũng vãn chẳng còn đông như xưa”; “Quận một thiếu gì không thiếu chỉ thiếu mỗi bãi để xe, không có chỗ để thì phải để tạm ra vỉa hè, lòng đường. Nhưng có nhỡ để lâu một tý và bị cẩu về cục rồi” – Những chia sẻ của người dân quận 1.
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè là câu chuyện tồn tại từ rất lâu. Những quy định xử phạt liên quan đều được quy định đầy đủ trong luật pháp. Tuy nhiên, do tình trạng quản lý còn lỏng lẻo nên dẫn đến việc người dân lợi dụng lấn chiếm lề đường để kinh doanh, buôn bán. Cho nên, để dứt khoát trả lại lòng lề đường về đúng chức năng của nó. Cơ quan Nhà nước, cán bộ công chức phải chấp hành trước để làm gương, sau đó đến các đơn vị kinh doanh, người dân. Không thể vì lợi ích của một cá nhân hay đơn vị nào mà ảnh hưởng đến lợi ích chung của cộng đồng.
“Nói thì phải làm được, để thành phố ngày càng sạch, đẹp và an toàn hơn. Tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm đã tồn tại quá lâu, rác rồi nước thải làm xấu đi bộ mặt thành phố.”- Chia sẻ của anh Long, doanh nhân.
Mặc dù ra quân quyết liệt là thế, mặc dù nhiều tuyến đường cũng đã thông thoáng, vỉa hè không còn là nơi tụ tập, lấn chiếm để chuộc lợi cá nhân.
Mạnh thế nào để rồi bây giờ lại “đâu đóng đấy”. Liệu ông Đoàn Ngọc Hải có đi dẹp mãi được không, hay nhiệm kỳ này nối tiếp nhiệm kỳ kia vẫn đi dẹp vỉa hè? Còn phía người dân bao giờ mới ý thức được việc lấn chiếm vỉa hè là không đúng?
Chị Trang, một phóng viên chia sẻ: “Lãnh đạo để giải quyết dứt điểm thì vẫn cần mạnh tay, bác Hải làm như vậy là đúng, phải mạnh tay thì dân mới sợ. Nhưng ngược lại, lãnh đạo thì không thể đi dẹp vỉa hè mãi được, còn dân thì vẫn cần kiếm miếng cơm, manh áo hằng ngày, có hàng quán để nuôi thân mà dẹp đi thì sao mà sống. Ai cũng có cái lý riêng về cho mình, tình trạng này gây khó xử cho cả phía lãnh đạo thành phố và cả phía người dân.”
Nói đi thì phải nói lại, người dân thì vẫn là những người có cuộc sống và cần phải kiếm miếng cơm, manh áo để sống hằng ngày. Những gánh hàng rong, xe bán nước cũng chính là nguồn sống duy nhất của họ, bây giờ lãnh dạo nhà nước dẹp, không có chỗ bán thì biết phải sống làm sao. Bao năm qua nhà nước vẫn tìm cách để lấy lại vỉa hè thông thoáng, nhưng lại không quy hoạch một khu tập chung để đưa những hàng quán vẫn đang buôn bán kia bề một chỗ. Vừa tạo được cảnh quan tốt, vừa có nơi để người dân buôn bán.